Tăng huyết áp là
một trong 6 bệnh không lây nhiễm. Bệnh hoàn toàn không lây nhiễm, không thể khỏi
hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được. Theo Tổ chức Y tế thế giới và theo Hội
tăng huyết áp thế giới thì bệnh tăng huyết áp thường gặp ở người cao tuổi, có đến
95% là vô căn. Người bệnh chung sống được lâu dài với bệnh nếu kiểm soát tốt,
căn bệnh hoàn toàn không phải rào cản ngăn chặn người bệnh hòa nhập với cộng đồng.
Theo Hội Tim mach học Việt Nam, tăng huyết áp (cao
huyết áp) là khi huyết áp tâm thu (huyết
áp tối đa) ≥ 140 mmHg và /hoặc HA tâm trương ≥ 90 mmHg.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp (cao huyết áp) là gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Hiện có khoảng 1 tỷ
người trên thế giới bị tăng huyết áp.
1. Các yếu tố nguy cơ
của tăng huyết áp:
Có nhiều yếu tố làm
gia tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp), thường thì các
yếu tố nguy cơ hay đi kèm nhau, thúc đẩy nhau phát triển và làm nguy cơ bị bệnh
tăng theo cấp số nhân.
1.1. Các yếu tố nguy
cơ không thể thay đổi được như: tuổi, giới tính, có tiền sử gia đình có người thân bị bệnh tim
mạch sớm. Nếu có người thân là nam giới thuộc nhóm thứ nhất (tức là cha, anh em
trai, hay con trai) bị bệnh trước tuổi 55 hoặc người thân là nữ giới thuộc nhóm
thứ nhất (tức là mẹ, chị em gái, hay con gái) bị bệnh trước tuổi 65 thì được
coi là bị bệnh sớm và sẽ có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn những người khác.
1.2. Các yếu tố nguy
cơ có thể thay đổi được như: rối loạn chuyển hóa lipid máu, hút thuốc lá, thừa cân/béo phì,
giảm dung nạp đường/ đái tháo đường, lối sống tĩnh tại, căng thẳng, uống rượu
quá mức, ăn mặn, hội chứng ngưng thở khi ngủ… ở hai giới tương tự nhau. Tuy
nhiên, tỷ lệ các yếu tố nguy cơ này không giống nhau giữa nam và nữ.
2. Vấn đề thuốc lá
Theo Điều tra toàn cầu
về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới
là 45,3%, có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người hút thuốc lá;
tỉ lệ này ở nữ giới là 1,1%. Do vậy, sự khác biệt do yếu tố nguy cơ này cũng
làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở nam giới. Tuy nhiên, cũng phải kể đến những
người nữ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.
3. Vấn đề uống rượu
Hiện
nay, các khuyến cáo cho rằng, đối với nam giới, nếu sử dụng quá nhiều rượu
(nhiều hơn hai đơn vị cồn: tương đương 60ml rượu vang, 300ml bia, hoặc
30ml rượu nặng) hoặc một đơn vị cồn, đối với nữ giới, mỗi ngày lại có thể có
làm tăng huyết áp.
4. Đàn ông trẻ bị tăng
huyết áp
Điều này có liên quan
đến chế độ làm việc căng thẳng, lối sống không lành mạnh, tiêu thụ rượu bia quá
nhiều là lý do tăng huyết áp ở nam giới dưới tuổi 45.
5. Tình trạng hôn nhân
Huyết áp cũng bị ảnh
hưởng bởi các yếu tố tâm lý và xã hội, mức độ stress. Một số nghiên cứu cho
thấy rằng hầu hết ảnh hưởng về cao huyết áp là do tình trạng hôn nhân. Người đã
kết hôn có nguy cơ cao huyết áp hơn người độc thân.
6. Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ có
thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở mọi lứa tuổi, thậm chí là trẻ em. Nhưng ở nam
giới, đặc biệt là người thừa cân có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới. Nếu không được
điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp
(bệnh cao huyết áp), đặc biệt là khi nghi ngờ có tăng huyết áp về đêm.
7. Yếu tố nguy cơ khác
Rối loạn chuyển hóa
lipid máu (cholesterol toàn phần > 5,2 mmol/L) và béo phì thường gặp ở bệnh
nhân nữ hơn, trong khi đái tháo đường và giảm HDL – Cholesterol thường gặp ở
bệnh nhân nam hơn. Cùng với đó, nữ giới bị tăng triglycerid máu hoặc mắc có
nguy cơ bị bệnh tim mạch trong đó có tăng huyết áp (cao huyết áp) cao hơn so
với bệnh nhân nam giới bị mắc các bệnh trên. Vì vậy, bệnh nhân nữ bị đái tháo
đường cần được tích cực điều chỉnh các yếu tố nguy cơ.
Khoa Y tế công cộng